Đánh đôi tennis: chiến thuật và kinh nghiệm
Các bạn đã xem được nhiều trên Facebook, Youtube về các trận đánh đôi, đã đọc được rất nhiều các bài viết trên diễn đàn về chiến thuật đánh đôi, và các bạn cũng tham gia giao lưu, thi đấu nhiều về nội dung đánh đôi này; Thì các bạn cũng đã biết được phần nào (không nhiều thì ít) về chiến thuật và kinh nghiệm trong đánh đôi. Hôm nay, tôi xin post một bài về kinh nghiệm đánh đôi của tôi và hy vọng bài này sẽ giúp ích một phần nào cho A/C/E của diễn đàn chúng ta, những thành viên đam mê trái bóng nỉ…
1/ Chiến Thuật:
Khi ta nói “chiến thuật” – nghĩa là ta phải biết suy nghĩ, tính toán, có những quyết định đúng đắn, những mưu kế làm thay đổi cục diện trận đấu một cách có lợi cho bên ta nhất! Ta phải biết thay đổi chiến thuật, cách đánh trong từng trận đấu, game đấu, thay đổi theo từng tình huống, hoàn cảnh (không gian, thời gian, thời tiết…).
- Có câu: “hữu dũng vô mưu” – gặp ai ta cũng đánh “ào ào” hoặc ta cứ giữ nguyên cách đánh chỉ “thủ mà không công” thì trước sau gì ta cũng bị đối thủ bắt bài.
- Vì vậy để chiến thắng đối thủ, ta phải biết cách hạn chế, tránh né, vô hiệu hoá những mặt mạnh của đối thủ, khai thác tối đa, áp đảo điểm yếu của họ (vì ai cũng có điểm yếu cả).
- Tóm lại ta phải luôn bình tĩnh và sáng suốt để hiểu rõ đối thủ, những sơ hở của đối thủ trong từng game đấu, điểm số để khai thác và áp đặt lối chơi của ta lên đối thủ.
- Trong thi đấu, các bạn hãy luôn tâm niệm, hãy trải lòng… vì thi đấu là ta đang tham gia vào một cuộc đua rất hào hứng, sôi nổi với sức mạnh tinh thần và trí tuệ. Các bạn hãy luôn nhớ rằng phải đến quả bóng cuối cùng thì mới biết được “Mèo nào cắn Mỉu nào“.
2/ Một số điều kiện cần thiết khi đánh đôi:
Trong đánh đôi thể lực của chúng ta sẽ tiêu hao ít hơn đánh đơn, nhưng bắt buộc là mỗi người phải có nhiều điểm mạnh hơn (ưu điểm), vì vậy nên chúng ta mới có câu này “nghệ thuật chọn partner“.
- Bạn phải có cú “giao bóng tấn công” mạnh mẽ hay hiểm hóc, và điều quan trọng đơn giản nhất của cú này là giao bóng 1 (gây khó cho đối thủ).
- Bạn phải có cú “trả giao bóng” qua tay người đứng lưới. Trả giao bóng tốt để hóa giải hay phản công đối thủ, tạo điều kiện cho partner trên lưới dứt điểm.
- Bạn phải có volley + smash nhạy bén và vững chắc (bạn chơi trên lưới yếu thì không thể đánh đôi tốt được).
- Bạn và partner phải hiểu rõ nhau, bọc lót cho nhau thật tốt, phải cùng nhau di chuyển lên xuống hợp lý, ăn ý (2 in 1).
3/ Tâm lý trong đánh đôi:
Thường thì trong đánh đôi, ta sẽ thấy không thoải mái khi gặp một số trường hợp sau:
- Tâm lý của ta không tốt khi gặp hai người đánh đơn giỏi mà cùng đứng đôi với nhau: Gặp trường hợp này bạn cũng đừng quá lo lắng, vì đánh đơn giỏi chưa chắc đánh đôi giỏi – đánh đơn và đánh đôi khác nhau rất nhiều (đánh đôi tốt thì phải hiểu ý nhau, hợp rơ nhau…). Hai người đánh đơn tốt đứng cùng nhau cũng khó mà thắng được hai người kém hơn nhưng họ lại hiểu rơ và phối hợp với nhau rất ăn ý.
- Tâm lý của ta không tốt khi đối diện là một người trình cao hơn, khi ta thực hiện một cú đánh về phía người mạnh đó.
- Tâm lý của ta không tốt khi thấy cả hai đối thủ lên lưới.
- Tâm lý của ta không tốt khi thấy cả hai đối thủ đang chơi lưới mà họ lại rủ nhau về phông ở những điểm số quan trọng… (cú đánh của ta sẽ không còn mạnh mẽ nữa vì sợ hỏng ăn).
- Tâm lý của ta không tốt khi bắt lưới liên tục hoặc smash liên tục mà đối thủ không chết.
- Tâm lý của ta không tốt khi đối thủ giao bóng mà partner họ bất ngờ đổi chiến thuật đứng lưới cùng ô.
- Tâm lý của ta không tốt khi đối thủ chuyển chiến thuật bất ngờ, từ giao bóng đứng phông thành giao bóng lên lưới và ngược lại.
- Tâm lý của ta không tốt khi vào những thời điểm quan trọng, hai đối thủ bàn bạc, thì thầm với nhau quá lâu.
- Tâm lý của ta không tốt khi vào những thời khắc quan trọng đối thủ thay đổi cách chơi.
4/ Kinh nghiệm đánh đôi:
Sau đây sẽ là một số kinh nghiệm đánh đôi:
- Nên giao bóng đầu tốt về bên yếu của đối thủ.
- Nên trả giao bóng chéo sân và dứt khoát.
- Nên tập trung thủ thế trả giao bóng đầu và tấn công khi đối thủ giao bóng 2.
- Đôi nào lên lưới trước sẽ nắm ưu thế chủ động nhiều hơn.
- Đôi nào chơi trên lưới tốt hơn sẽ có cơ hội dứt điểm – thắng điểm hơn.
- Đôi nào có hai lưới sẽ tốt hơn đôi một phông một lưới, tốt hơn đôi chuyên phông.
- Những đường bóng mạnh và cao không hiệu quả bằng những đường bóng thấp, lắt léo vì gặp đường bóng này, đối thủ phải nâng bóng lên, do vậy ta sẽ có cơ hội dứt điểm.
- Trong đánh đôi, ta phải tự tạo chỗ trống cho ta và partner dứt điểm bằng cách đánh cho 1 trong 2 đối thủ chạy ra khỏi sân.
- Trong đánh đôi ta sẽ ít nhìn thấy chỗ trống (nhất là khi đối thủ lên hai lưới), vì thế ta phải luôn đánh dứt khoát vào chỗ trống (nếu có), không nên suy nghĩ, tính toán quá lâu mà đánh hỏng bóng.
- Nên đánh nhiều đường bóng vào giữa hai đối thủ để họ giành giật, nhường nhau, khi đó họ đưa bóng về phía ta sẽ dễ hơn.
- Ta phải luôn khai thác người yếu bên đối thủ và dốc toàn lực điều bóng, tấn công họ.
- Đánh đôi là sự kết hợp của hai người, nên bạn và partner phải luôn để ý cách di chuyển, chạy chỗ của nhau, phối hợp lên xuống nhịp nhàng với nhau: ví dụ như khi partner lên lưới choàng chụp, bạn phải lên theo và để ý khoảng trống mà partner bỏ lại – partner bị tấn công ép xuống phông thì bạn nên di chuyển cùng để phối hợp chống đỡ.
- Trong đánh đôi thì vai trò của người đứng lưới rất quan trọng, số điểm thắng sẽ phụ thuộc vào người đứng lưới nhiều hơn.Nếu bạn đang đứng lưới thì không nên ngoái đầu nhìn lại, vì sẽ khó mà phản xạ kịp khi đối thủ tấn công.
5/ Một số Kỹ – Chiến thuật khác trong đánh đôi:
* Nếu bên ta bốc thăm giành quyền giao bóng trước:
- Nên nhường cho người có giao bóng tốt hơn.
- Người giao bóng nên tranh thủ chạy nhanh chiếm lưới để giành thế chủ động.
- Người giao bóng nên phối hợp bàn bạc với Partner đứng lưới để nắm thế chủ động.
* Bên ta đợi trả giao bóng:
- Ta phải đánh nhanh úp xuống chân đối thủ đang lên lưới. Tạo điều kiện cho partner dứt điểm.
- Nếu đối thủ giao bóng 2 nhẹ, ta thực hiện một cú passing hoặc một cú đánh khéo léo ra mang, tạo chỗ trống cho bạn và partner dứt điểm.
- Đôi khi ta đánh mạnh, thẳng vào người đứng sẵn trên lưới để làm đối thủ giật mình, hạn chế sự nhạy bén choàng chụp trên lưới của họ.
- Thỉnh thoảng ta lốp sâu về phía đối thủ có smash yếu hơn, nếu thành công thì đội hình đối thủ sẽ rối loạn, ta (hoặc partner) tranh thủ chạy lên chiếm lưới.
- Nếu trả bóng khó qua tay họ thì tốt nhất nên rút xuống phông (baseline) cả hai người, chờ khi có cơ hội đánh qua tay lưới, lúc đó ta mới lên lưới.
- Khi bạn đang chơi trên lưới mà đưa một đường bóng ngắn về đối thủ, bạn hãy lùi xuống một tí để volley được tốt hơn, vì lúc này đối thủ sẽ đánh passing rất mạnh, nếu đứng quá gần thì sẽ không kiểm soát được tốc độ của đường bóng này – trình độ volley của bạn càng cao thì sẽ rút ngắn được khoảng cách để volley.
Tổng kết:
Trong một trận đánh đôi, bạn phải luôn tin tưởng partner của mình, luôn khích lệ động viên lẫn nhau dù thời điểm đó ta đang thắng hay bị dẫn trước. Hãy luôn kiểm soát lời nói, cử chỉ, thái độ của mình trong trận đấu. Có câu nói: “Thua keo này ta bày keo khác” – WIN or LOSE cũng luôn giúp chúng ta trưởng thành hơn. Điều quan trọng nhất không phải thắng hay thua một trận đấu mà chính là : “Ta Đã Thể Hiện Mình Như Thế Nào“.
Các bạn hãy tập – biến hóa hay suy diễn bằng khả năng của mình để trình đánh đôi ngày càng tốt lên. Chúc các bạn tập tốt!!!