Tennis – Đừng cưới người KHÔNG bao giờ lên lưới!

Anh luôn muốn viết về những điều mình đam mê, ngoài em, tennis chính là đam mê gắn bó với anh hơn 5 năm rồi. Đúng ra còn lâu hơn, vì những ngày đầu biết mở TV xem tennis của anh đã từ 2005-2006, cái thời Federer vô đối trên những mặt sân bóng đi nhanh còn Nadal thì luôn khiến người ta hú tim khi trả bóng trái tay chưa đủ sâu.

Môn thể thao từ giữa thế kỉ 19 này cho tới nay đã trở nên phổ biến và được chơi bởi hàng triệu người, ở nước ta thì tennis hiện tại bình dân như đi tập gym vậy. Chỉ khác là ít người chọn và trên sân vẫn đa số những ông nhễ nhại mồ hôi chạy tới quả bóng, chị em nên ở trong phòng tập yoga sẽ lành hơn. Hẳn vậy, ngoài việc là môn thể thao toàn diện cả tay lẫn chân, cả sức bền lẫn tốc độ, phần lớn động tác trong tennis chính là sự mô phỏng cách chiến đấu nguyên thủy của con người.

Giao bóng y hệt động tác phóng lao, còn cú thuận tay thì như một đòn đấm thẳng

Tennis, đơn giản là tổng hợp của 05 động tác: thuận tay, trái tay, volley thuận tay, volley trái taycú phát bóng. Nghe dễ dàng em nhỉ? Vậy mà ngoài sân banh, hay qua màn hình nhỏ, em sẽ chẳng tìm nổi hai người với cách chơi và động tác y hệt nhau đâu. Hàng triệu người chơi từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp chính là hàng triệu bản thể khác nhau, riêng biệt và duy nhất. Anh đã khoe em nội dung cơ bản một bài khác tựa tựa – hãy ra sân tennis chọn tấm chồng. Chắc sau này anh sẽ viết ra cho thiên hạ đọc, khi mà chúng ta đã xa nhau đủ lâu để em quên hết những điều từng thủ thỉ. Bài này anh chỉ muốn nói về lên lưới- volley.

Tại sao lại là cú volley hở anh? Chắc em sẽ hỏi vậy nhỉ. Nếu cú thuận tay hay trái tay có thể phô diễn cả sức mạnh lẫn kỹ thuật, thì cú volley đón bóng trên lưới dường như không tốn bao nhiêu sức. Tất cả những gì em cần khi di chuyển lên gần lưới đón quả bóng đang bay tới trước khi nó chạm mặt sân, là thật bình tĩnh và can đảm. Những quả bóng tennis lao về phía em với vận tốc hơn 100km/h và chỉ có ít hơn nửa giây đồng hồ để làm tất cả mọi việc: nhận ra, chuẩn bị tư thế, cố gắng đưa vợt bắt bóng. Cơ thể chúng ta nhận sự chỉ huy của não bộ với một độ trễ khoảng 0.25 giây, nghĩa là ta còn cỡ 0.25 giây để thực hiện một động tác volley trước khi bỏ lỡ trái banh hoặc tệ hơn là bị bóng bắn vào người – cảm giác chẳng mấy dễ chịu.

May thay, phần thưởng của việc sẵn sàng tiến lại gần lưới hơn thay vì bám lấy vạch cuối sân, thật hấp dẫn. Mỗi cú volley thành công đưa bóng sang sân bên kia thường đem về điểm số hay đẩy đối phương vào thế loạng choạng chạy theo bóng và ta dễ dàng kết thúc sau đấy. Trong cả thi đấu đơn và đôi, chiến thuật lên lưới chưa bao giờ là lỗi thời, mà anh nên bật mí cho em, những ngày đầu người ta chơi tennis- giao bóng rồi lên lưới chính là chiến thuật dành cho mọi nhà. Sự hiệu quả của volley không thể bàn cãi. Ấy vậy mà trên sân tennis phong trào, em sẽ thấy ngoài kia nhiều người đàn ông không bao giờ dám lên lưới.

Người trên lưới, chắn cho em nửa sân banh, mọi hiểm nguy nhận lấy, rủi ro ôm hết về.

Trái ngược với sự an toàn và thoải mái ở dưới phông, trên lưới đầy căng thẳng, rủi ro, nguy hiểm. Chẳng biết được khi nào quả bóng sẽ bay về phía mình, nhanh hay chậm, mạnh bao nhiêu. Từng giây trên lưới là từng giây tập trung quan sát đối thủ để dự đoán hành động tiếp theo. Một người chơi trên lưới phải chấp nhận sẽ có thất bại- những lần đối phương quá xuất sắc. Sẽ phải chấp nhận đối mặt đường banh mà ưu tiên là tránh né hơn đỡ lấy. Sẵn sàng thua vài cuộc đụng độ nhỏ để thắng được trận đấu lớn, đàn ông nên nghĩ xa và đi được dài, em nhỉ?
Một người đàn ông nếu chưa lo được ăn ngon mặc đẹp, thì cũng đem cả thân mình che nắng che mưa che gió cho em.

Anh tin bản tính của đàn ông là chiến đấu, là xung phong dẫn dắt, chấp nhận đớn đau và cả thất bại. Anh tin đàn ông cần dũng cảm, đương đầu thậm chí hy sinh đối lấy bình an cho những người thân yêu. Một người dám lên lưới, chưa cần biết có nên cơm nên cháo, đã đáng được tôn trọng và công nhận!

P/S: có lẽ tất cả chúng ta đều yêu lưới !!!

Related Post